Ngày 11/8, Sở Y tế TP. HCM đã có công văn bổ sung 2 loại thuốc để điều trị Covid-19 tại nhà là thuốc kháng viêm steroid và thuốc kháng đông. Như vậy, chúng ta nên chuẩn bị những loại thuốc nào, hướng dẫn về từng loại thuốc cụ thể ra sao, trong tình huống cụ thể thì cần dùng thuốc gì?
- Đầu tiên là nhóm thuốc cần dự trữ sẵn, bao gồm: Thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc điều trị bệnh nền và một số bệnh thông thường, nước súc họng.
- Thuốc điều trị Covid -19 vừa và nặng: Oxy, thuốc kháng viêm, kháng đông, kháng sinh và một số loại thuốc điều trị virus.
Trước khi đến cụ thể với những loại thuốc thì bạn nên chuẩn bị cho tủ thuốc nhiệt kế để đo nhiệt độ, máy đo SpO2.
Xem nhanh
Thuốc cần dự trữ sẵn dù chưa nhiễm virus
1. Thuốc giảm đau hạ sốt
Đây là loại thuốc khá quen thuộc đối với nhiều người. Nhưng không hẳn ai cũng quan tâm tới liều lượng và cách dùng. Chỉ nên chọn một loại thuốc để giảm đau và hạ sốt khi bệnh để tránh quá liều. Nếu không đáp ứng có thể đổi loại và nên có sự tư vấn của bác sĩ.
Nhóm thuốc có chứa thành phần paracetamol như: Panadol, efferalgan,… dạng viên nén hoặc sủi. Uống khi sốt trên 38,5°C mà chườm ấm không hạ sốt. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng giảm các cơn đau vừa và nặng. Chống chỉ định cho người suy gan và mẫn cảm với thành phần của thuốc.
Aspirin vừa là thuốc hạ sốt, vừa giảm viêm và giảm đau mức độ nhẹ đến vừa. Virus xâm nhập gây ra phản ứng viêm của cơ thể. Do đó, nếu viêm đường hô hấp trên từ nhẹ đến vừa có thể cân nhắc dùng Aspirin. Tuy nhiên, cần xem kỹ tác dụng phụ cũng như chống chỉ định của thuốc. Không dùng cho bệnh nhân: suy gan- thận nặng, phụ nữ ba tháng cuối thai kỳ và cho con bú, suy tim tiến triển, rối loạn đông máu hoặc đang dùng các thuốc chống đông khác…
Nhóm thuốc thứ ba là giảm viêm không phải corticoid (NSAID), ví dụ như: Diclofenac, ibuprofen,… Nhóm này nghiêng về hiệu quả chống viêm, có thể giảm đau trong các trường hợp đau nhẹ và vừa như đau đầu, đau răng… Nhóm thuốc này có nhiều chống chỉ định, cần hết sức lưu ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Đặc biệt, không sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú. Tốt nhất nên có hướng dẫn của bác sĩ, không nên tùy ý sử dụng.
2. Một số thuốc điều trị bệnh lý thông thường và thuốc điều trị bệnh nền
Những bệnh nhân có các bệnh nền như đái tháo đường, cao huyết áp, mỡ máu,… nên dự trữ sẵn các loại thuốc điều trị theo đơn của bác sĩ cho thời gian cách ly. Nếu bệnh nền không ổn định, tốt nhất nên vào viện theo dõi và điều trị.
Thuốc dị ứng, ho, tiêu chảy: Đây là nhóm bệnh thông thường có thể gặp khi cách ly tại nhà.
Trường hợp dị ứng nhẹ như nổi mẩn ngoài da, có thể sử dụng thuốc: Loratadin, Alimemazin,… Những thuốc này cũng có tác dụng điều trị ho, hắt hơi sổ mũi do viêm mũi dị ứng.
Một số thuốc tiêu hóa cũng nên có sẵn như: Thuốc đau dạ dày như: Esomeprazol, Pantoprazol,… Tiêu chảy có thể dùng Smecta, đồng thời bổ sung nước và chất điện giải bằng Oresol, pha theo đúng tỉ lệ hướng dẫn trên bao bì thuốc.
Các loại thuốc bổ sung vitamin và tăng cường đề kháng, có thể cân nhắc dự trữ cho tủ thuốc gia đình.
Nước súc họng cũng rất cần thiết, đặc biệt là trong đại dịch này. Bạn có thể mua sẵn các loại nước súc họng có khả năng diệt khuẩn như betadin dạng nước súc miệng, dung dịch tỏi, bạc hà súc họng, nước muối sinh lý,… Chúng ta có thể tự pha chế nước muối để súc họng bằng cách pha 2 thìa muối (mỗi thìa 5g muối) cho vào 1 lít nước đun sôi để nguội, dùng súc họng trong ngày.
Thuốc điều trị Covid-19 vừa và nặng
Chúng ta cần nhận biết sớm tình trạng bệnh tiến triển vừa và nặng để kịp thời nhập viện. Trường hợp chưa thể nhập viện ngay, nên dùng oxy, thuốc kháng viêm teroid, kháng đông và kháng sinh sớm để giảm các biến chứng và bệnh trở nặng thêm. Tuy nhiên, cần có sự tư vấn của bác sĩ.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh tiến triển
Người lớn và trẻ lớn: Sốt trên 38,5°C, ít hoặc không đáp ứng thuốc hạ sốt. Ho, khó thở, thở nhanh >20 lần/phút, SpO2 dưới 94% khi thở khí phòng.
Trẻ nhỏ: Trẻ có ho hoặc khó thở và thở nhanh. Thở nhanh được xác định khi nhịp thở ≥ 60 lần/phút ở trẻ dưới 2 tháng; ≥ 50 lần/phút ở trẻ từ 2 – 11 tháng; ≥ 40 lần/phút ở trẻ từ 1 – 5 tuổi.
Tình trạng bệnh nặng có thể sốt cao liên tục, ho đờm đặc, kèm khó thở nặng, nhịp thở trên 30 lần/phút, SpO2 dưới 93% khi thở khí phòng. Trẻ nhỏ có thể ho, khó thở, tím tái kèm dấu hiệu suy hô hấp nặng như thở rên, rút lõm lồng ngực, thở nhanh.
Theo tờ Sức khoẻ & Đời sống, dẫn nguồn tin từ Sở Y tế Tp. HCM, người mắc Covid-19 điều trị tại nhà được chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và 1 trong 3 thuốc kháng đông dạng uống trong trường hợp có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm giác khó thở và/hoặc nhịp thở > 20 lần/phút và/hoặc SpO2 < 95%, nếu có) và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.
Như vậy, trường hợp bệnh vừa và nặng cần lập tức liên hệ y tế để được đưa đến viện. Khi chưa tìm được giường bệnh, quý vị có thể sử dụng sớm các biện pháp sau:
1. Oxy – thở máy
Ở người lớn nếu có các dấu hiệu cấp cứu, khó thở (gắng sức nặng, rút lõm lồng ngực, tím tái, giảm thông khí phổi) cần làm thông thoáng đường thở. Cho thở oxy ngay để đạt đích SpO2 ≥ 94% trong quá trình hồi sức.
Cho thở oxy qua gọng mũi (1 – 4 lít/phút), hoặc mask thông thường, hoặc mask có túi dự trữ. Lưu lượng ban đầu là 5 lít/phút. Tăng lên tới 10 – 15 lít/phút nếu cần. Khi bệnh nhân ổn định hơn, điều chỉnh để đạt đích SpO2 ≥ 90% cho người lớn, và SpO2 ≥ 92 – 95% cho phụ nữ mang thai.
Ở trẻ em, nếu có các dấu hiệu cấp cứu như khó thở nặng, tím tái, sốc, hôn mê, co giật… thì cung cấp oxy trong quá trình cấp cứu để đạt đích SpO2 ≥94%. Khi tình trạng trẻ ổn định, điều chỉnh để đạt đích SpO2 ≥ 96%.
Nằm sấp cũng hỗ trợ tốt khi bệnh nhân khó thở, có tình trạng suy hô hấp. Cần theo dõi sát các triệu chứng. Nếu SpO2 không đạt đích trên 94%, cần nhập viện để được hỗ trợ thở máy.
Tuy nhiên, không nên dự trữ oxy gây ra tình trạng khan hiếm, người cần thì không có. Bởi vì hơn 80% là nhiễm virus thể nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Hẳn nhiều người sẽ băn khoăn rằng, ngộ nhỡ lúc tôi hoặc người nhà trở nặng thì làm sao. KTN xin chia sẻ nỗi lo này. Bệnh thường tiến triển, trở nặng trong vòng 4 – 7 ngày đầu. Khi qua 5 ngày, các triệu chứng có xu hướng giảm thì có thể yên tâm. Bệnh có thể đẩy lùi sau 7-10 ngày. Bên cạnh đó, có rất nhiều nhóm các bác sĩ hỗ trợ tư vấn miễn phí, hoặc trạm oxy miễn phí cung cấp cho cộng đồng. Bạn có thể cầu cứu trên các nhóm facebook như: Trạm oxy cộng đồng
2. Thuốc kháng viêm steroid toàn thân
Bệnh nhân Covid-19 vừa và nặng hoặc nguy kịch, cần dùng thuốc corticoid toàn thân dạng tiêm hoặc uống. Ưu tiên sử dụng Dexamethasone, tối thiểu từ 7- 10 ngày. Có thể lựa chọn một trong các loại thay thế: Hydrocortisone, Methylprednisolone, Prednisolone. Nếu có bệnh dạ dày, cần uống kèm thuốc dạ dày như Omeprazol…
Trong bảng dưới đây là tên 3 loại thuốc kháng viêm corticoid được Sở Y tế Tp. HCM khuyến cáo sử dụng và liều lượng từng loại.
3. Thuốc kháng đông
Đối với trường hợp (F0) không làm được xét nghiệm và người bệnh mức độ vừa, nặng, nguy kịch được chỉ định điều trị dự phòng rối loạn đông máu ngay như sau:
- Apixaban: Liều lượng 2,5 mg, uống 2 lần/ngày.
- Hoặc Rivaroxaban: Liều lượng: 10mg, uống 1 lần/ngày
- Hoặc Dabigatran: Liều lượng: 220mg, uống 1 lần/ngày
Lưu ý:
Không dùng thuốc chống đông cho người bệnh mới phẫu thuật trong vòng 24 giờ, người bệnh Hemophilia hoặc suy thận nặng.
Sở Y tế Tp. HCM lưu ý thời gian sử dụng các thuốc trên tối đa là 7 ngày. Chỉ dùng cho người trên 18 tuổi và thận trọng khi sử dụng cho người trên 80 tuổi.
Chống chỉ định:
- Phụ nữ có thai và cho con bú
- Người suy gan, suy thận
- Có tiền căn xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tiết niệu, các bệnh lý dễ chảy máu. Khi sử dụng cần theo dõi các dấu hiệu xuất huyết. Ví dụ: Xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa…
4. Thuốc kháng sinh, thuốc điều trị Covid-19
Trường hợp bệnh nhân có tình trạng viêm phổi, cần dự phòng kháng sinh. Mục đích là điều trị viêm phổi do vi khuẩn bội nhiễm, cần có sự tư vấn của bác sĩ.
Một số loại thuốc kháng virus đã được FDA Hoa Kỳ phê duyệt như Remdesivir. Thuốc hiện đã về Việt Nam và được sử dụng điều trị cho bệnh nhân Covid-19 vừa và nặng. Các thuốc điều trị khác như kháng thể đơn dòng, huyết tương của người khỏi Covid, thì chỉ nên được dùng trong bệnh viện. Cần có hội đồng y tế chuyên môn thẩm định.
Đối với nhóm thuốc này. quý vị nên sử dụng dưới sự hướng dẫn, kê đơn của bác sĩ. Có rất nhiều các bác sĩ sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ bệnh nhân qua điện thoại như:
- Bác sĩ Phan Xuân Trung ở TP.HCM có thể hỗ trợ tại nhà.
- Cộng đồng các bác sĩ trong nhóm giúp nhau mùa dịch. Bạn có thể để lại tin nhắn, số điện thoại để được tư vấn, giúp đỡ.
- Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp 30 số điện thoại tư vấn bệnh theo từng chuyên khoa.
Trên đây là những loại thuốc cần thiết để điều trị Covid -19. Hy vọng có thể giúp ích cho những ai đang trong vùng dịch. Nếu quý vị thấy hữu ích, có thể chia sẻ đến nhiều người hơn. Chúc cho các y bác sĩ đang hỗ trợ cộng đồng sức khỏe và bình an. Chúc tất cả mọi người vượt qua được đại dịch này.